Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

Phùng Quán: “Tuổi thơ dữ dội”và những ước mơ cao đẹp

Phùng Quán sinh năm 1932, tại Huế và mất năm 1995, tại Hà Nội. Ông là một nhà văn, nhà thơ Việt Nam bất khuất , bắt đầu viết trong khoảng thời gian của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Ông là một người khá kỳ lạ.Vào Vệ Quốc Đoàn mới bắt đầu học chữ. Nhưng thơ thì hình như đã sẵn có từ trong máu thịt của ông .
Nhà thơ Phùng Quán là một khuôn mặt lớn trong giai đoạn văn học thật ngắn ngủi mà nhóm Nhân Văn đã gióng lên. Ông còn là một kiện tướng không biết mệt mỏi trong việc gìn giữ nhân cách của người cầm bút, trong một thể chế chính trị mà ở đó người cầm bút, chỉ là một công cụ không hơn không kém .
Ông nổi danh với bài thơ "Lời Mẹ Dặn", đăng trong Nhân Văn Giai Phẩm Mùa Thu Tập 11 tháng 10, 1956. Đây là một bài thơ không chỉ phản ảnh tâm trạng của chính Phùng Quán, mà hầu như của những người làm văn nghệ và không có lương .
Phùng Quán bị đuổi khỏi Hội Nhà Văn Việt Nam .Ông phải làm đủ các nghề tay chân để sống. Có khi ông đi câu cá chui, vì không đóng tiền lệ phí cho chính quyền.
Phùng Quán viết văn theo lối hiện thực xã hội và được gọi là "Triệu Tử Long" trong nhóm đối lập.

Thơ của ông được coi là những trái "bom nguyên tử". Phùng Quán không đòi hỏi gì hơn là diệt trừ những cái xấu trong xã hội, yêu cầu nhà văn phải trung thành với tâm hồn và đừng viết những gì mình thấy không đúng. Đó là ý tứ mà ông gởi gấm trong tác phẩm "Lời Mẹ Dặn" - Yêu ai cứ bảo là yêu; Ghét ai cứ bảo là ghét.
Bài thơ này đã nói lên phần nào tâm trạng trước, trong, cách sống giả dối .
Ông bị lôi đi chỉnh huấn và phải viết bài thú tội. Trong bản thú tội đó, nhà văn trẻ tuổi này đã viết là sau khi nhóm Nhân Văn Giai Phẩm bị giải tán thì suốt ngày ông chỉ chơi với một con bú dù. Được hỏi tại sao, ông trả lời: "Chơi với người chán lắm rồi, thành phải chơi với bú dù."
Nhìn lại hơn nửa thế kỷ trước, nhà thơ Phùng Quán đã bất chấp an nguy của bản thân để gióng lên bản tuyên ngôn cho sự thật .
Lời Mẹ dặn

Tôi mồ côi cha năm hai tuổi
Mẹ tôi thương con không lấy chồng
Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn.
Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ
Ngày ấy tôi mới lên năm
Có lần tôi nói dối mẹ
Hôm sau tưởng phải ăn đòn.
Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn
Ôm tôi hôn lên mái tóc
- Con ơi! trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật.

- Mẹ ơi, chân thật là gì?
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêụ.

Từ đấy người lớn hỏi tôi:
- Bé ơi, Bé yêu ai nhất?
Nhớ lời mẹ tôi trả lời:
- Bé yêu những người chân thật.
Người lớn nhìn tôi không tin
Cho tôi là con vẹt nhỏ
Nhưng không ! những lời dặn đó
In vào trí óc của tôi
Như trang giấy trắng tuyệt vờị
In lên vết son đỏ chóị

Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn
Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm
Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ.

Người làm xiếc đi dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.

Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêụ

Tôi muốn làm nhà văn chân thật,
Chân thật trọn đời
Đường mật công danh
Không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.

Phùng Quán (1956)
Bài thơ kết thúc bằng thái độ hiên ngang của người cầm bút đích thực .

Năm 2007, năm mươi năm sau bài thơ "Lời Mẹ dặn", nhà thơ Phùng Quán được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Giải thưởng này chính là sự tôn vinh của đất nước, của nhân dân đối với phẩm chất chiến sĩ – thi sĩ trung thực yêu tự do .Dũng cảm chiến đấu cho tự do mà Phùng Quán là đại diện tiêu biểu. Giải thưởng này chứng tỏ hùng hồn sức mạnh tất thắng của lòng trung thực và lý tưởng nhân văn của ông.
Hai ngày nữa là ngày giỗ lần thứ 15 của ông (22/1/1995 - 22/1/2010)

Sinh thời Phùng Quán khao khát được trở về quê hương. Ông luôn mơ ước sở hữu một chiếc đò nhỏ, để trong những ngày cuối đời câu cá uống rượu đọc thơ dọc sông Hương. Phùng Quán cũng nhiều lần bày tỏ nguyện vọng được cùng vợ về yên nghỉ trên đất mẹ Thanh Thủy Thượng.
Hai người con của ông là Phùng Đỗ Quyên, Phùng Quân sau này thường hỏi: “Mẹ yêu cha vì cha đẹp trai hay vì cha làm thơ hay?”
Phùng Quán thời trẻ cao lớn, đẹp trai thật, nhưng chị lại trả lời con: “Có lẽ mẹ yêu bố vì yêu thơ. Thơ bố hợp với cái tạng của mẹ: Yêu ai cứ bảo rằng yêu / Ghét ai cứ bảo rằng ghét / Dù ai cầm dao dọa giết / Cũng không nói ghét thành yêu …”

Trong xã hội giới trẻ hiện nay , đạo đức truyền thống đang xuống cấp, nhất là những đức tính như ''lòng trung thực'' cần phục hồi .Nên chăng bài thơ này đưa vào sách giáo khoa ?

Chị Bội Trâm yêu anh lúc mà cuộc đời anh Quán cơ cực đau khổ nhất. Anh là “phần tử Nhân văn Giai phẩm”, dù có tác phẩm Vượt Côn Đảo tiếng tăm lừng lẫy, có lúc được Ban Thống nhất Trung ương mời đến ký đến 3000 cuốn để chuyển vào tặng đồng bào miền Nam, vẫn vị đuổi khỏi quân đội, khai trừ khỏi Hội Nhà văn.

Phùng Quán sinh tháng 1-1932 tại làng Thanh Thủy Thượng, nay là phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. 14 tuổi, từ cậu bé chăn trâu Phùng Quán tham gia Vệ Quốc Đoàn, làm liên lạc, trinh sát thuộc Trung đoàn Trần Cao Vân.
Lẽ thường, về già người ta mới nghĩ đến chuyện viết di chúc, nhưng mới 18 tuổi Phùng Quán đã viết những vần thơ di chúc.
Trước giờ xuất kích đánh một trận lớn, Phùng Quán viết bài Di chúc chiến sĩ với lời đề từ “thay Quyết tâm thư trận công đồn diệt viện ở Phò Trạch - Thừa Thiên Huế”.

Nếu tôi chết đi, xin các đồng chí đừng đưa tôi đi đâu cả
Hãy chôn tôi nơi chính tôi đã ngã!
Nếu mộ tôi là vị trí tốt để đánh mìn
Xin các đồng chí đừng do dự gì tất cả
Hãy đào mộ tôi lên
Quẳng hài cốt tôi đi
Và thay vào đó cho tôi một trăm cân thuốc nổ .

Sau này, bên bờ hồ Tây, trong một hoàn cảnh oái oăm, với nghị lực và lòng can đảm của người chiến sĩ, Phùng Quán ngồi viết bản di chúc thứ hai của đời mình, để tự minh oan cho mình. Bản di chúc dài tám trăm trang Phùng Quán đã viết trong mười tám năm. Đó là bộ tiểu thuyết ba tập Tuổi thơ dữ dội.
Ông còn có một bài thơ di chúc khác: bài Huyệt. “Giữa nghiệt ngã trần gian”, khi “trái tim thơ thấm mệt”, Phùng Quán tuyên bố: Tôi sẽ đào nấm huyệt /Cạnh mồ cha mẹ tôi /Tôi sẽ lăn xuống đó /Thế là xong một đời /Đàn mối của quê hương /Sẽ thay phu đào huyệt /Bao nghiệt ngã trần gian /Chỉ dăm ngày là hết /Căn hộ mới đáy huyệt /Rượu đất tôi uống tràn…

Ông là người nặng nghĩa với quê hương. Sau ngày đất nước hoà bình thống nhất; cũng là sau nhiều chục năm thăng trầm, lận đận Phùng Quán trở về làng Thanh Thủy Thượng. Bà con, bạn bè, dân làng tụ tập lại thăm Phùng Quán, nghe Phùng Quán đọc thơ.

Phùng Quán xúc động bật khóc, sụp xuống đất lạy tạ đất làng ba lạy rồi đứng lên đọc những câu thơ ứng tác thần kỳ. Đó là bài Tạ: Sau cuộc trường chinh ba mươi năm /Quì rạp xuống đất làng /Con tạ /Con tạ đất làng quê /Thấm đẫm bao máu anh hùng đã khuất /Không ngọn cỏ nào không long lanh nước mắt /Không lá cây nào không mặn chát gian lao…

Ngày mồng 9-1-2011, gia tộc họ Phùng, con cái và bạn bè, độc giả ái mộ đưa di hài nhà thơ Phùng Quán và nhà giáo Vũ Bội Trâm trở về mãi mãi với đất làng Thanh Thuỷ Thượng.
Phùng Quán luôn là một nhà văn cốt cách nghĩa khí, một chiến sĩ Vệ quốc đoàn cương trực, quyết liệt, một thi sĩ tài hoa ngất ngưỡng và một nhân cách cao cả. Dù đời ông có quá nhiều tai ương, đau khổ, 30 năm bị “treo bút”. Nhưng ông vẫn giữ vững bản lĩnh một nhà văn chiến sĩ: “Ngay thẳng tột cùng /sự ngay thẳng thuỷ chung /của mỗi dòng chữ viết “. Phùng Quán đã để lại hàng chục tác phẩm được nhiều thế hệ bạn đọc mến mộ, được tái bản hàng chục lần đó là quyển: Tuổi thơ dữ dội và Trăng hoàng cung.
Trăng Hoàng Cung

- Em nán ngồi lại với tôi
Một phút nữa thôi…
- Ừ, hay xin em hai phút…
Ôi, trăng Hoàng Cung đêm nay đẹp đến não lòng!

Tôi sắp phải từ giã ngai vàng
Từ giã Hoàng Cung
Giã từ mộng tưởng
Giã từ em…
Phảng phất hương hoàng lan
Từ Tử Cấm Thành hoang tàn đổ nát
Tôi sắp phải trở lại cuộc đời cay cực
Qua cửa chính Ngọ Môn…
Ôi, có lẽ nào
Tất cả những gì đêm nay là có thật?…
Em với mái tóc đen dày che nửa mặt
Hồ sen như gấm trải quanh Hoàng Cung
Điện Thái Hoà
Cung Trường Sanh
Tàng Thư Lâu… Hiển Lâm Các
Sân Đại Triều mênh mông trăng…

Ôi, có lẽ nào
Tất cả những gì đêm nay là có thật?…

Không…
Tôi không tin…
Tất cả là do trăng bày đặt
Trăng thương tôi
Một đời lao lực
Một đời cay cực
Một đời thơ…
Vỗ về tôi
Như trẻ nhỏ
Trăng ru…
Như bà ngoại
Trăng dắt tôi vào cổ tích
Cô Tấm với nàng Bạch Tuyết
Hằng Nga ngủ trong rừng
Con yêu râu xanh…

Tôi biết
Trăng là một nhà bày đặt thiên tài
Lều tranh bày đặt thành cung điện
Vườn hoang thành vườn Thượng Uyển
Vũng nước tù bày đặt thành hồ sen…

Nhưng tôi không biết
Từ chất liệu gì mà Trăng bày đặt ra em?…

…Một vùng tóc như một vùng biển tối
Vừng mắt em thăm thẳm tia nhìn
Những ngón tay ngón chân có mùi hoa dại
Cái cổ trần như rong dưới đáy sông Hương…
Giọng em nói
Tiếng em cười
Và nỗi buồn phảng phất trên làn môi…
Từ chất liệu gì mà Trăng bày đặt?…

Trăng hoàng cung đêm nay ơi!
Trăng nhân hậu
Trăng thiên tài…
Cảm ơn Trăng thương tôi mà bày đặt
Nhưng cái tuổi tin vào cổ tích
Tôi đã qua rồi…

(Trích Trăng Hoàng Cung-Phùng Quán)

Tôi rất thích những bài thơ ông , nhưng trong cuộc sống xã hội ngày càng văn minh hiện nay. Thiết nghỉ thích là một chuyện ,hâm mộ là một chuyện ,viết được là một chuyện ,lời hứa, lời nói là một chuyện .Thế cho nên mong các bạn thông cảm cho lối sống giới trẻ bây giờ .Vì , ngay chính bản thân tôi đây đã thuộc lòng câu này chưa . Xin thưa là chưa ?vì mỗi lần mon men muốn chạm đến ,lại nghỉ : thời gian còn dài lắm từ từ vậy . Giờ tóc đã bạc ,xin xấu hổ nói rằng : Tôi chẳng nhớ tí nào ,thỉnh thoảng lại lôi bài thơ cũ trong ngăn kéo ra đọc ,đọc rồi lại quên .Thôi vậy, đành ngậm ngùi tự an ủi mình ...Sẽ luôn nuôi sống lý tưởng của mình ở kiếp sau !

Chữ Tâm trong con người ngày càng xa suối nguồn Chân Tánh, thiếu chia sẻ, thiếu đời sống tâm linh,văn hóa ,đầy rẫy bạo lực ,nạn bạo hành ở trường học và trong gia đình. Dù rằng cuộc sống văn minh hơn, tiến bộ hơn, đầy đủ nhu cầu vật chất hơn v.v…Nhưng lại thiếu tấm lòng chân thực hơn .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét