Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011

Thầm lặng

Sông vẫn thầm lặng trôi
Phù sa sao mang nặng
Trôi ngàn năm bờ bãi
Xanh mãi ruộng đồng ơi.

Gió vẫn thầm lặng ru
Bài ca của lòng mẹ
Lời quê hương êm dịu
Trong lòng con nổi nhớ.

Bước chân người thầm lặng
Nhè nhẹ mỗi đêm khuya
Giữa không gian trầm lắng
Còn bao nỗi bộn bề.

Những cuộc đời thầm lặng
Có bao nỗi truân chuyên
Xin đừng trách thế sự
Nhân gian có trong ngần.

Còn có những thầm lặng
Đâu đó ở muôn nơi
Đừng khơi dậy người ơi
Sóng yên biển lặng thôi.

Tình em mãi thầm lặng
Giữa không gian thanh bình
Gửi lời yêu thương nhớ
Cho lòng anh nhẹ vơi.

( Hà Nội 5/10/2011)


Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

Phùng Quán: “Tuổi thơ dữ dội”và những ước mơ cao đẹp

Phùng Quán sinh năm 1932, tại Huế và mất năm 1995, tại Hà Nội. Ông là một nhà văn, nhà thơ Việt Nam bất khuất , bắt đầu viết trong khoảng thời gian của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Ông là một người khá kỳ lạ.Vào Vệ Quốc Đoàn mới bắt đầu học chữ. Nhưng thơ thì hình như đã sẵn có từ trong máu thịt của ông .
Nhà thơ Phùng Quán là một khuôn mặt lớn trong giai đoạn văn học thật ngắn ngủi mà nhóm Nhân Văn đã gióng lên. Ông còn là một kiện tướng không biết mệt mỏi trong việc gìn giữ nhân cách của người cầm bút, trong một thể chế chính trị mà ở đó người cầm bút, chỉ là một công cụ không hơn không kém .
Ông nổi danh với bài thơ "Lời Mẹ Dặn", đăng trong Nhân Văn Giai Phẩm Mùa Thu Tập 11 tháng 10, 1956. Đây là một bài thơ không chỉ phản ảnh tâm trạng của chính Phùng Quán, mà hầu như của những người làm văn nghệ và không có lương .
Phùng Quán bị đuổi khỏi Hội Nhà Văn Việt Nam .Ông phải làm đủ các nghề tay chân để sống. Có khi ông đi câu cá chui, vì không đóng tiền lệ phí cho chính quyền.
Phùng Quán viết văn theo lối hiện thực xã hội và được gọi là "Triệu Tử Long" trong nhóm đối lập.

Thơ của ông được coi là những trái "bom nguyên tử". Phùng Quán không đòi hỏi gì hơn là diệt trừ những cái xấu trong xã hội, yêu cầu nhà văn phải trung thành với tâm hồn và đừng viết những gì mình thấy không đúng. Đó là ý tứ mà ông gởi gấm trong tác phẩm "Lời Mẹ Dặn" - Yêu ai cứ bảo là yêu; Ghét ai cứ bảo là ghét.
Bài thơ này đã nói lên phần nào tâm trạng trước, trong, cách sống giả dối .
Ông bị lôi đi chỉnh huấn và phải viết bài thú tội. Trong bản thú tội đó, nhà văn trẻ tuổi này đã viết là sau khi nhóm Nhân Văn Giai Phẩm bị giải tán thì suốt ngày ông chỉ chơi với một con bú dù. Được hỏi tại sao, ông trả lời: "Chơi với người chán lắm rồi, thành phải chơi với bú dù."
Nhìn lại hơn nửa thế kỷ trước, nhà thơ Phùng Quán đã bất chấp an nguy của bản thân để gióng lên bản tuyên ngôn cho sự thật .
Lời Mẹ dặn

Tôi mồ côi cha năm hai tuổi
Mẹ tôi thương con không lấy chồng
Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn.
Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ
Ngày ấy tôi mới lên năm
Có lần tôi nói dối mẹ
Hôm sau tưởng phải ăn đòn.
Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn
Ôm tôi hôn lên mái tóc
- Con ơi! trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật.

- Mẹ ơi, chân thật là gì?
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêụ.

Từ đấy người lớn hỏi tôi:
- Bé ơi, Bé yêu ai nhất?
Nhớ lời mẹ tôi trả lời:
- Bé yêu những người chân thật.
Người lớn nhìn tôi không tin
Cho tôi là con vẹt nhỏ
Nhưng không ! những lời dặn đó
In vào trí óc của tôi
Như trang giấy trắng tuyệt vờị
In lên vết son đỏ chóị

Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn
Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm
Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ.

Người làm xiếc đi dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.

Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêụ

Tôi muốn làm nhà văn chân thật,
Chân thật trọn đời
Đường mật công danh
Không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.

Phùng Quán (1956)
Bài thơ kết thúc bằng thái độ hiên ngang của người cầm bút đích thực .

Năm 2007, năm mươi năm sau bài thơ "Lời Mẹ dặn", nhà thơ Phùng Quán được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Giải thưởng này chính là sự tôn vinh của đất nước, của nhân dân đối với phẩm chất chiến sĩ – thi sĩ trung thực yêu tự do .Dũng cảm chiến đấu cho tự do mà Phùng Quán là đại diện tiêu biểu. Giải thưởng này chứng tỏ hùng hồn sức mạnh tất thắng của lòng trung thực và lý tưởng nhân văn của ông.
Hai ngày nữa là ngày giỗ lần thứ 15 của ông (22/1/1995 - 22/1/2010)

Sinh thời Phùng Quán khao khát được trở về quê hương. Ông luôn mơ ước sở hữu một chiếc đò nhỏ, để trong những ngày cuối đời câu cá uống rượu đọc thơ dọc sông Hương. Phùng Quán cũng nhiều lần bày tỏ nguyện vọng được cùng vợ về yên nghỉ trên đất mẹ Thanh Thủy Thượng.
Hai người con của ông là Phùng Đỗ Quyên, Phùng Quân sau này thường hỏi: “Mẹ yêu cha vì cha đẹp trai hay vì cha làm thơ hay?”
Phùng Quán thời trẻ cao lớn, đẹp trai thật, nhưng chị lại trả lời con: “Có lẽ mẹ yêu bố vì yêu thơ. Thơ bố hợp với cái tạng của mẹ: Yêu ai cứ bảo rằng yêu / Ghét ai cứ bảo rằng ghét / Dù ai cầm dao dọa giết / Cũng không nói ghét thành yêu …”

Trong xã hội giới trẻ hiện nay , đạo đức truyền thống đang xuống cấp, nhất là những đức tính như ''lòng trung thực'' cần phục hồi .Nên chăng bài thơ này đưa vào sách giáo khoa ?

Chị Bội Trâm yêu anh lúc mà cuộc đời anh Quán cơ cực đau khổ nhất. Anh là “phần tử Nhân văn Giai phẩm”, dù có tác phẩm Vượt Côn Đảo tiếng tăm lừng lẫy, có lúc được Ban Thống nhất Trung ương mời đến ký đến 3000 cuốn để chuyển vào tặng đồng bào miền Nam, vẫn vị đuổi khỏi quân đội, khai trừ khỏi Hội Nhà văn.

Phùng Quán sinh tháng 1-1932 tại làng Thanh Thủy Thượng, nay là phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. 14 tuổi, từ cậu bé chăn trâu Phùng Quán tham gia Vệ Quốc Đoàn, làm liên lạc, trinh sát thuộc Trung đoàn Trần Cao Vân.
Lẽ thường, về già người ta mới nghĩ đến chuyện viết di chúc, nhưng mới 18 tuổi Phùng Quán đã viết những vần thơ di chúc.
Trước giờ xuất kích đánh một trận lớn, Phùng Quán viết bài Di chúc chiến sĩ với lời đề từ “thay Quyết tâm thư trận công đồn diệt viện ở Phò Trạch - Thừa Thiên Huế”.

Nếu tôi chết đi, xin các đồng chí đừng đưa tôi đi đâu cả
Hãy chôn tôi nơi chính tôi đã ngã!
Nếu mộ tôi là vị trí tốt để đánh mìn
Xin các đồng chí đừng do dự gì tất cả
Hãy đào mộ tôi lên
Quẳng hài cốt tôi đi
Và thay vào đó cho tôi một trăm cân thuốc nổ .

Sau này, bên bờ hồ Tây, trong một hoàn cảnh oái oăm, với nghị lực và lòng can đảm của người chiến sĩ, Phùng Quán ngồi viết bản di chúc thứ hai của đời mình, để tự minh oan cho mình. Bản di chúc dài tám trăm trang Phùng Quán đã viết trong mười tám năm. Đó là bộ tiểu thuyết ba tập Tuổi thơ dữ dội.
Ông còn có một bài thơ di chúc khác: bài Huyệt. “Giữa nghiệt ngã trần gian”, khi “trái tim thơ thấm mệt”, Phùng Quán tuyên bố: Tôi sẽ đào nấm huyệt /Cạnh mồ cha mẹ tôi /Tôi sẽ lăn xuống đó /Thế là xong một đời /Đàn mối của quê hương /Sẽ thay phu đào huyệt /Bao nghiệt ngã trần gian /Chỉ dăm ngày là hết /Căn hộ mới đáy huyệt /Rượu đất tôi uống tràn…

Ông là người nặng nghĩa với quê hương. Sau ngày đất nước hoà bình thống nhất; cũng là sau nhiều chục năm thăng trầm, lận đận Phùng Quán trở về làng Thanh Thủy Thượng. Bà con, bạn bè, dân làng tụ tập lại thăm Phùng Quán, nghe Phùng Quán đọc thơ.

Phùng Quán xúc động bật khóc, sụp xuống đất lạy tạ đất làng ba lạy rồi đứng lên đọc những câu thơ ứng tác thần kỳ. Đó là bài Tạ: Sau cuộc trường chinh ba mươi năm /Quì rạp xuống đất làng /Con tạ /Con tạ đất làng quê /Thấm đẫm bao máu anh hùng đã khuất /Không ngọn cỏ nào không long lanh nước mắt /Không lá cây nào không mặn chát gian lao…

Ngày mồng 9-1-2011, gia tộc họ Phùng, con cái và bạn bè, độc giả ái mộ đưa di hài nhà thơ Phùng Quán và nhà giáo Vũ Bội Trâm trở về mãi mãi với đất làng Thanh Thuỷ Thượng.
Phùng Quán luôn là một nhà văn cốt cách nghĩa khí, một chiến sĩ Vệ quốc đoàn cương trực, quyết liệt, một thi sĩ tài hoa ngất ngưỡng và một nhân cách cao cả. Dù đời ông có quá nhiều tai ương, đau khổ, 30 năm bị “treo bút”. Nhưng ông vẫn giữ vững bản lĩnh một nhà văn chiến sĩ: “Ngay thẳng tột cùng /sự ngay thẳng thuỷ chung /của mỗi dòng chữ viết “. Phùng Quán đã để lại hàng chục tác phẩm được nhiều thế hệ bạn đọc mến mộ, được tái bản hàng chục lần đó là quyển: Tuổi thơ dữ dội và Trăng hoàng cung.
Trăng Hoàng Cung

- Em nán ngồi lại với tôi
Một phút nữa thôi…
- Ừ, hay xin em hai phút…
Ôi, trăng Hoàng Cung đêm nay đẹp đến não lòng!

Tôi sắp phải từ giã ngai vàng
Từ giã Hoàng Cung
Giã từ mộng tưởng
Giã từ em…
Phảng phất hương hoàng lan
Từ Tử Cấm Thành hoang tàn đổ nát
Tôi sắp phải trở lại cuộc đời cay cực
Qua cửa chính Ngọ Môn…
Ôi, có lẽ nào
Tất cả những gì đêm nay là có thật?…
Em với mái tóc đen dày che nửa mặt
Hồ sen như gấm trải quanh Hoàng Cung
Điện Thái Hoà
Cung Trường Sanh
Tàng Thư Lâu… Hiển Lâm Các
Sân Đại Triều mênh mông trăng…

Ôi, có lẽ nào
Tất cả những gì đêm nay là có thật?…

Không…
Tôi không tin…
Tất cả là do trăng bày đặt
Trăng thương tôi
Một đời lao lực
Một đời cay cực
Một đời thơ…
Vỗ về tôi
Như trẻ nhỏ
Trăng ru…
Như bà ngoại
Trăng dắt tôi vào cổ tích
Cô Tấm với nàng Bạch Tuyết
Hằng Nga ngủ trong rừng
Con yêu râu xanh…

Tôi biết
Trăng là một nhà bày đặt thiên tài
Lều tranh bày đặt thành cung điện
Vườn hoang thành vườn Thượng Uyển
Vũng nước tù bày đặt thành hồ sen…

Nhưng tôi không biết
Từ chất liệu gì mà Trăng bày đặt ra em?…

…Một vùng tóc như một vùng biển tối
Vừng mắt em thăm thẳm tia nhìn
Những ngón tay ngón chân có mùi hoa dại
Cái cổ trần như rong dưới đáy sông Hương…
Giọng em nói
Tiếng em cười
Và nỗi buồn phảng phất trên làn môi…
Từ chất liệu gì mà Trăng bày đặt?…

Trăng hoàng cung đêm nay ơi!
Trăng nhân hậu
Trăng thiên tài…
Cảm ơn Trăng thương tôi mà bày đặt
Nhưng cái tuổi tin vào cổ tích
Tôi đã qua rồi…

(Trích Trăng Hoàng Cung-Phùng Quán)

Tôi rất thích những bài thơ ông , nhưng trong cuộc sống xã hội ngày càng văn minh hiện nay. Thiết nghỉ thích là một chuyện ,hâm mộ là một chuyện ,viết được là một chuyện ,lời hứa, lời nói là một chuyện .Thế cho nên mong các bạn thông cảm cho lối sống giới trẻ bây giờ .Vì , ngay chính bản thân tôi đây đã thuộc lòng câu này chưa . Xin thưa là chưa ?vì mỗi lần mon men muốn chạm đến ,lại nghỉ : thời gian còn dài lắm từ từ vậy . Giờ tóc đã bạc ,xin xấu hổ nói rằng : Tôi chẳng nhớ tí nào ,thỉnh thoảng lại lôi bài thơ cũ trong ngăn kéo ra đọc ,đọc rồi lại quên .Thôi vậy, đành ngậm ngùi tự an ủi mình ...Sẽ luôn nuôi sống lý tưởng của mình ở kiếp sau !

Chữ Tâm trong con người ngày càng xa suối nguồn Chân Tánh, thiếu chia sẻ, thiếu đời sống tâm linh,văn hóa ,đầy rẫy bạo lực ,nạn bạo hành ở trường học và trong gia đình. Dù rằng cuộc sống văn minh hơn, tiến bộ hơn, đầy đủ nhu cầu vật chất hơn v.v…Nhưng lại thiếu tấm lòng chân thực hơn .

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011

Ngày hiến chương

Cứ đến ngày hai mươi
Tháng mười một hàng năm
Náo nức tuổi thơ ơi
Mừng đón ngày hiến chương
Ghi ơn người dạy dỗ.
Của chúng con ở trường.

Cô như người mẹ hiền
Thầy là người cha nghiêm
Truyền cho con kiến thức
và nhân cách làm người.
Mai này con khôn lớn
Trên bước đường tương lai
Công ơn này lưu nhớ
Mãi khắc ghi trong đời.

( Tặng các em học sinh nhân ngày 20/11/2011)

Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011

Nếu _Trần Dzạ Lữ


Nếu ngày mai em biến khỏi vườn địa đàng
Thì anh sẽ là người câm cùng cuối
Và sẽ là người điên không nói
Sửng sốt bên lòng nỗi nhớ mang mang…

Nếu ngày mai không thấy bóng người thương
Anh sẽ mỏi mòn trên đồi ân ái
Nắng nhạt dần và chiều phai rất vội
Con chim buồn gõ mỏ gọi mùa xuân !

Nếu ngày mai không thấy dấu nai ngoan
Nghĩa là em tạ từ rừng cổ tích
Anh sẽ rớt vào đêm quay quắt
Khi kiếm tìm một ánh sao hôm…

Nếu ngày mai sông cạn đá mòn
Em nghẽnh ngãng cuối đường ngờ ngợ..
Anh vẫn là anh-con người nặng nợ
Cuộc tình sầu-lệ đá chon von !

Nếu ngày mai em biến khỏi vườn địa đàng
Anh chúa buồn đóng đinh trên thánh giá
Soi dung nhan thấy mình kẻ lạ
Vẫn yêu em-từ thuở hồng hoang…

Trần Dzạ Lữ
(Sài Gòn 11 . 2011 )

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

Nhớ mưa Huế

Ai ở Huế lâu ngày cũng biết Huế mưa theo nhiều cách, tùy vào từng thời điểm trong năm. Mưa Huế thất thường như tính cách của một cô gái mới lớn, mang đến thật nhiều tâm trạng.
Xuân sang rồi, mưa Huế về bay bay nhè nhẹ
Huế là thơ, là buồn, là mộng mơ...
Nên mưa Huế da diết như cô nàng đôi tám mộng mơ
Vào độ từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch, Huế thật ít khi mưa mà thay vào đó là rưới lên Huế cái nắng hừng hực của mùa hè. Tuy nhiên vào khoảng thời gian này, đôi khi ông trời cũng cố gắng 'lắc rắc một vài hột' mưa theo như cách nói của người già ở Huế. Những cơn mưa này thật ngắn và và nhiều khi không đủ lớn nên lại càng làm cho không khí càng oi nồng, ngột ngạt thêm. Cái đẹp của cơn mưa rào này, nếu mưa đủ lớn, làm dịu hẳn cả thành phố và in lên bầu trời quang đãng sau đó một cái cầu vồng thật rực rỡ.
"Trời mưa ở Huế sao buồn thế
Cứ kéo dài ra đến mấy ngày"
(Nguyễn Bính)
Tôi chắc rằng thi sĩ này đang nói đến những cơn mưa vào khoảng 10 đến tháng Chạp âm lịch ở Huế. Mưa rả rích, mưa da diết, mưa triền miên, mưa như cố làm chậm lại hoặc làm đông cứng tất cả những gì hoạt náo, tươi vui vốn đã hiếm hoi ở cái thành phố này.
Càng gần tới Tháng Giêng Âm lịch thì mưa nhỏ dần nhưng vẫn còn dai dẳng lắm. Mưa làm cho cái lạnh càng da diết; ngược lại những cơn gió mùa Đông Bắc lại làm cho mưa có vẻ ẩm ướt hơn. Càng về cuối mùa mưa - trước và sau Tết một chút - thường có những cơn mưa phùn, mưa bụi.
Rồi một buổi sáng nào đó ta thức dậy, nhìn ra cửa sổ thấy bầu trời quang đãng hẳn. Không khí như nhẹ hẳn lên. Cây cối như cũng tỉnh ngủ hẳn ra cùng mình. Phía Đông dần dần hén lên một chút nắng. Ai đó dưới nhà nói: "A! Ngày ni nắng rồi .

Trong ký ức của những người đi xa đã lớn lên ở Huế hoặc từng đến Huế, Huế không mưa không còn là Huế. Dường như trời Việt Nam đã chọn Huế để làm mưa dai dẳng quanh năm vậy.Với hội họa, có lẽ các họa sĩ vẽ phố, vẽ người, vẽ cảnh vật xung quanh nhiều hơn vẽ mưa, vẽ nắng. Triển lãm Màu mưa Huế không chỉ vẽ mưa, mà thông qua mưa còn diễn đạt nhiều điều thuộc về Huế.
Chủ nhân của triển lãm Màu mưa Huế là ba họa sĩ đang giảng dạy mỹ thuật và làm quản lý nghệ thuật tại Huế. Họa sĩ Phan Thanh Bình sinh năm 1959, hiện làm Hiệu trưởng trường ĐH Nghệ thuật Huế. Họa sĩ Đặng Mậu Tựu sinh năm 1953, hiện làm Quyền Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế. Họa sĩ Lê Nhường sinh năm 1960 đang giảng dạy tại ĐH Nghệ thuật Huế. Họ rất bận rộn với các công việc hàng ngày, nên dù Huế mưa triền miên, nhưng không phải lúc nào họ cũng rảnh để ngắm mưa và vẽ về mưa... Từ rất lâu, mưa Huế là niềm cảm hứng, khởi nguồn để người nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật. Triển lãm Màu mưa Huế của 3 họa sĩ đến từ Huế cũng bắt đầu từ mưa như thế !

(Một tác phẩm của họa sĩ Lê Nhường)
Họa sĩ Đặng Mậu Tựu cho biết: “Cảm nhận mưa qua màu sắc, không phải mưa màu xám xịt mà màu mưa lạ lắm, qua mưa các hình thể biến dạng, mất đi dáng vẻ vốn có, mưa đã biến hình, nó là đặc trưng của Huế. Khai mạc triển lãm tranh ở Sài Gòn vào lúc Huế mùa mưa, nên chúng tôi gọi triển lãm này là Màu mưa Huế.
Mong rằng người thưởng ngoạn dừng lại ở mỗi tác phẩm để cảm và hiểu, những con người ở Huế, đã trải qua bao mùa mưa nắng, đắm mình trong đó với những tâm trạng khác nhau và dù đôi lúc chán lắm mưa ơi, nhưng vẫn cứ yêu và sống trong mưa...”.
Ba họa sĩ nói vui là các ông đã và đang “tô màu” cho mưa Huế. Loại màu mà các ông dùng để “tô” cho mưa Huế là màu acrylic chứ không phải sơn dầu vốn được dùng rất phổ biến trong mỹ thuật hiện đại. Dường như các họa sĩ ở Huế thích dùng màu acrylic hơn sơn dầu, đây là một câu hỏi còn “bí ẩn” với nhiều người yêu hội họa Huế.
Còn một “bí mật” nghề nghiệp liên quan tới việc các họa sĩ Huế ưa dùng màu acrylic thay vì thứ chất liệu phổ biến: sơn dầu, hóa ra lại “ràng buộc” bởi mưa Huế. Đơn giản vì, chỉ có đặc tính nhanh khô của màu acrylic mới phù hợp với khí hậu ẩm ướt quanh năm của Huế, nhất là khi mưa bất kể mùa...
Và một mùa mưa nữa lại đến. Tôi đi giữa đất trời Hà Nội bỗng thèm lắm được nghe những tiếng “răng, rứa, dạ, thưa” ngọt ngào của Huế mình, bỗng thèm lắm được lang thang trên những con đường dệt đầy mưa rơi và cỏ dại như ngày xưa. Những khúc quanh nhỏ lắm, những con đường vắng lắm! Ai bất chợt cầm tay ai... .
Đường vào Đại Nội kết đầy những lá phượng mỏng dính, chỉ chực búng tách một cái, thế là tan vỡ cùng cơn mưa. Dòng Hương vẫn nhẹ nhàng trôi, dịu dàng như mặt lụa êm dịu chiều lòng. Cơn mưa như một thi sĩ của ngàn xanh nặng tình ai giữa ngàn sắc thiên nhiên gợi lòng quê hồn hậu. Ánh mắt ai thân thương, ấp e sau chiếc nón Huế. Chợt yêu quá một buổi chiều... Yêu cái màu xanh của thôn Vĩ, cái nâu thầm lặng của màu đất, núi Ngự, bến Văn Lâu. Và yêu lắm cái màu tím thủy chung son sắt, chở đầy những cơn mưa Huế qua bao tháng ngày.
Chiều nay Hà Nội mưa rơi, nghe câu hát “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ...” lại dậy lên cơn thèm khát được đi trong cơn mưa Huế xứ mình...Chiều nay ngắm mưa rơi ở Hà Nội lại dậy lên cơn thèm khát được đi trong cơn mưa Huế xứ thân thương...
oOo
MƯA HUẾ

Mọi người trong chúng ta, những người ít nhiều sống ở Huế đều cảm nhận cái thâm trầm dai dẳng của Mưa Huế. Có lần người bạn ngoại quốc của tôi hỏi rằng, quê anh có gì đặc biệt, Tôi trả lời. MƯA. Mưa Huế có nét đặc biệt không chỉ thời gian mưa, lượng mưa (3300mm/y)mà trong cơn mưa tuỳ theo mùa có thêm nét lãng mạn. Khách phương xa có dịp đến Huế mùa mưa, thật không thể nào quên được. Mưa Huế đã vào trong thi ca cũng đã vài thập kỷ trước. Tại hạ kính giới thiệu quý vị biên khảo Mưa Huế của tác giả Trần Kiêm Đoàn
Mưa… !
Bên trời Tây, mưa rớt trên dù trơn và áo khoác, mưa và người ngỡ như gần mà xa nhau mất hút. Mưa bên Mỹ giọt trên trần xe, vỡ òa trên quạt nước - những cái quạt nước chỉ quen xua đi mà không bao giờ níu lại những nỗi nhớ mơ hồ trước mắt. Mưa Sài Gòn vội vàng đến hồn nhiên rơi trên tóc mướt, đậu trên mi cong, sà trên môi ấm. Mưa Hà Nội là mưa riêu riêu, có gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát huê tình của cô con gái đẹp như những giọt mưa Ngâu của Vũ Bằng trong „Thương nhớ mười hai“.
Mưa Huế thì triền miên, khi đến cũng âm thầm như lúc đi và khi đi cũng lặng lẽ như lúc về nên chẳng có ai nghe. Mưa như rây hạt trên thành phố, buồn đến tím lịm.

Đi xa…xa tới những phương trời mưa khác ; về lại, mới thấy vẻ diệu kỳ của dáng mưa Huế-Việt Nam.
Mưa Nam, mưa Bắc, mưa Trung đã gắn chặt với con người và phong thổ ; có nỗi vui buồn trong lòng và cảm giác mơn man se lạnh trên da thịt.
Tôi đã về lại và ra đi trong mưa, những cơn mưa dầm của xứ Huế, để nghe hết cái „điệu buồn mưa nắng Nam Ai“. Điệu buồn của Huế, mùa hè, thường xuôi mái dòng sông và mùa Đông, hay treo lơ lững trên những tầng mây màu đục.

Theo thời gian, con người và kỷ niệm rất hồng buổi sớm và chợt tím buổi chiều của một thời đã ngả màu rêu phong vì những cơn mưa Huế. Tôi xa Huế rồi lửng thửng về lại trong những ngày cuối hè đầu thu lác đác mưa Ngâu. Những cơn mưa nho nhỏ đầu mùa của Huế làm tôi nhớ lại một câu bình luận về thời tiết của Huế „mộng mơ“ . Từ xưa tới nay từ một nhà sư Trung Hoa nức tiếng uyên thâm, đó là hòa thượng Thích Đại Sán, hay còn có phương danh khác là Thạch Liêm Lão Hòa Thượng. Ông được mời đến Huế như một bậc danh sư đại thượng khách thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725).
Trong Hải Ngoại Ký Sự, ông viết về thời tiết Huế : „Tứ thời giai thị hạ, nhất vũ tiệm thành đông“, nghĩa là : „Bốn mùa đều là mùa hạ, (chỉ cần) một cơn mưa là từ từ biến thành mùa đông“.

Huế không có hiện tượng „nhất vũ“ nào cả mà chỉ có mùa xuân mưa bấc, mùa hạ mưa giông, mùa thu mưa ngâu, đầu đông mưa lũ, cuối đông mưa dầm. Huế lại càng không có „tứ thời giai thị hạ“ mà lại có bốn mùa rõ rệt : Xuân xanh, hạ trắng, đông xám, thu vàng.
Đừng nghe nói về Huế, cứ sống một giờ với Huế. Ngôn ngữ tuyệt vời nhất dành cho Huế là im lặng và cảm nhận. Nhìn Huế qua ống kính máy thu hình, hiểu Huế qua chữ nghĩa sẽ chỉ thấy màu phôi pha và nghe tiếng thở dài của thành quách rêu phong.

Mưa Huế !
Nếu vào những buổi chiều đầu mùa Thu nào đó ở Huế, có những đàn chim bay xao xác từ phía biển lên rừng trên bầu trời đã lãng đãng có mây hồng lam pha sắc tím, đó là khi trời Huế đang chuyển sang mùa mưa.
Sau những cơn mưa giông hiếm hoi vào cuối mùa Hạ „mưa tháng sáu, máu rồng“ là những cơn mưa đầu mùa Thu e dè và rón rén như gió heo mây. Mưa về chiều và thường khi rả rích qua đêm, có giọt ngắn giọt dài là cho người ta ví von với giọt nước mắt rấm rức, chia biệt của Ngưu Lang, Chức Nữ bên bờ sông Ngân.
Thường khi sau đêm Trung Thu là đêm có ánh trăng sáng vằng vặc với bầu trời cao và rõ nhất trong năm, Huế chuyển mình giao mùa và mưa giông bắt đầu về với Huế.

Huế có hai nguồn nước lũ chính là nguồn Dinh và nguồn Bồ. Nguồn Dinh từ thượng nguồn sông Hương trên dãy Trường Sơn chảy dài ra tới biển và nguồn Bồ cũng xuất phát từ dãy Trường Sơn trùng điệp. Chảy theo sông Bồ thuộc quận Hương Trà, rồi cuối nguồn cũng giáp với sông Hương trôi ra biển. Những năm lụt nguồn Dinh, dáng hiền từ của sông Hương biến mất trong lớp cuồng lưu của giòng thác lũ phù sa cuồn cuộn, bứt phá, lạnh lùng cuốn phăng tất cả những chướng ngại trên đường băng băng trôi ra biển. Những đêm trời lụt khi gió mưa vừa tạnh, tiếng cuồng lưu đổ ra đại dương từ cửa Thuận An vọng về theo điệu trầm hùng nghe âm vang như lòng đất trở mình.
Có những vạt nắng riêng trong trời nắng thì cũng có những cơn mưa riêng trong trời mưa. Ai đã từng đi dưới trời mưa dầm của Huế vào lúc chiều tối hay về đêm mới cảm nhận được cái ớn lạnh của những cơn mưa lạ : „Mưa lá“ hay „mưa rùng mình“ nơi đây. Trời Đông lạnh căm căm, đang đi dưới những tàng cây xanh sũng nước mưa, bỗng nghe tiếng gió ào qua biển lá, rồi cả một khối mưa nặng hạt rơi ụp xuống trên đầu. Vô số mảnh nước động trên lá sẵn chờ gió lay, ồ ạt rơi xuống phủ lấy mặt đường trong thoáng gió đi qua. Tiếng lá ướt xào xạc kéo dài trong gió, nghe như tiếng thở dài kỳ bí của hồn mưa .

Trong nếp sống trầm trầm, êm ả quanh năm. Mưa nguồn và nước lũ đầu mùa thường mang lại cho Huế một cảm giác mạnh, bứt phá và chia sẻ. Trong nỗi lo „mưa sa, nước sỉa“ con người phường trên, xóm dưới dễ tìm thấy tình người gần lại và một cảm giác thuộc về, trong mối tương cảm đồng thuyền đồng hội.
Nước lụt tràn về giúp san phẳng hay che kín một phần những lằn ranh giai cấp. Những dị đồng bon chen rải rác trên đường và chập chờn đầu ngõ sẽ nằm sâu trong nước bạc. Nhìn biển nước dâng lên không phân chia ranh giới, người ta sẽ cảm thấy cần nhau hơn nên nhìn nhau mĩm cười dễ dãi.

Với tuổi trẻ , rủ nhau đi lội nước lụt là một thú vui không hẹn trước. Con đường đi xe đạp hôm nào, giờ chìm trong hồ nước mênh mông sau những trận mưa ào ạt. Tiếng chân bì bõm lội nước, tiếng cười vang rộn rã của từng nhóm mang vẻ dập dìu, làm dáng một cách hồn nhiên.
MƯA HUẾ, HUẾ MƯA.

Huế như dài ra theo cơn mưa
Huế khoác khăn che mỏng bụi mờ
Huế thả chùm mây theo vạt áo
Nhón bàn chân nhỏ gót tiểu thơ

Mưa rót cô đơn lòng thiếu phụ
Mưa chìm phố cổ đợi ai qua
Mưa trải rộng thêm ngàn tâm sự
Mưa nhả vào tim nỗi nhớ nhà

Mưa Huế hình như chỉ bắt đầu
Mà dài se sắt mãi về sau
Trầm ngâm một bóng ai ngồi đợi
Chỉ thấy mưa rơi đỏ mắt sầu

Huế xa xôi mà Huế thật gần
Mưa qua khuấy động cõi tình nhân
Mưa siết tay cho tình thêm ấm
Mưa tạt vào lòng những bâng khuâng

Hỏi nhỏ, khi mô trời mưa tạnh
Huế buồn khẽ nói, biết khi mô
Có lẽ mưa tuôn chưa dứt hạt
Mưa hoài nên Huế đọng thành thơ.

TRẦN KIÊU BẠC

Ai đó đã nói rất đúng rằng: đến Huế mà chưa được thăm lăng tẩm Hoàng cung thì coi như chưa đến Huế. Tôi vẫn muốn nói thêm: đến Huế mà chưa được dong duỗi trên các con đường để tắm mình trong những cơn mưa rả rích, dìu dịu, lâm thâm thì cũng coi như chưa một lần đến Huế.

Tự xa xưa, người dân chốn kinh thành đã cảm về mưa Huế trong âm thanh sầm sịch của biển đông gọi gió, trong tiếng rơi nặng hạt đe doạ con nước tràn bờ:Duyên dáng, nũng nịu, người dân Huế tự xưa âu yếm gọi hạt mưa xú mình là "hạt mưa tình". Cũng như cô gái Huế, mỗi mùa đi qua, mưa Huế gọi về những giọt nhớ, giọt thương, nhẹ nhàng và sâu lắng, trầm tư tựa như nét duyên thầm, nghe như tiếng dạ thưa ngọt lịm... Người Huế yêu vô cùng đất trời, thành quách; người Huế nhớ vô cùng hạt lệ trời ban...
Một người Huế, sống xa quê, một lần so sánh: hạt mưa Huế vừa nặng, vừa sâu, từ từ, chầm chậm, trong khi đó cơn mưa Sài Gòn rộ lên rồi tắt làm người ta chưa kịp nhận ra độ nặng nhẹ của giọt mưa: Mưa xứ Bắc thì phơi phới bay, thiếu đi độ nặng, độ dày. Huế vào mùa mưa, đất trời tắm mình trong muôn ngàn hạt . Có lẽ, gọi mưa Huế bằng giọt mới đúng hơn. "Giọt Huế"- tặng phẩm tạo hoá ban cho để muôn đời cố đô nâng niu, thương nhớ...

Con người- thiên nhiên hài hoà, quyến rủ. Ai đó nói rằng thiên nhiên là một phần của tâm hồn con người, là nơi trú ngụ của những trái tim đa cảm và thanh cao. Vậy thì mưa Huế là một phần của tâm hồn Huế vậy! Còn nhớ, lần trên con đường nước non ngàn dặm thủa đất trời còn chia cắt, nhà thơ Tố Hữu từ Trường Sơn nhìn về đất mẹ trong khoảng trời trắng xoá mưa rơi.
"Nỗi niềm chi rứa Huế ơi
Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên"
(Tố Hữu)
Nghe trong mưa tiếng nói của nỗi niềm. Ôi da diết !Những cơn mưa triền miên như một phần không thể thiếu trong tâm thức người yêu Huế .

Đâu chỉ có lửng lơ chuông chiều, đâu chỉ có thành quách cổ kính, mưa Huế níu giữ bước chân ai một sớm một chiều... Giọt mưa dệt thành giọt nhớ để cho ai chẳng nỡ ra về.

Nghe trong mưa lời thì thào của gió của mây. Cửa bước chân lãng du phiêu bồng nơi bến vắng. Nét Huế gọi về trong mỗi tiếng mưa rơi.

Tôi lặng bước giữa chiều mưa xứ Huế
Con đường gầy, đơn chiếc bóng tôi đi
Gió chiều nay quên lạnh phải chăng vì
Lòng cứ ngỡ từ xa anh sẽ đến...
(Huế chiều mưa- Linh Chi)

Bởi "nỗi niềm chi rứa" nên thành Huế mới phủ trắng một màu mưa để cho đất trời đượm buồn man mác. Thấp thoáng bên hiên nhà, con ngoài xứ Huế vốn đã ít lời nay lại lại càng lặng lẽ hơn. Gởi vào trong "giọt nhớ, giọt thương" những chuỗi ngày thơ dại để giấu trong nốt nhạc rỉ rắc cho bao kỷ niệm mến yêu mãi đong đầy:

"Mẹ đưa con về thăm ngoại chiều mưa
Ôm cháu vào lòng, ngoại bảo:Giọt thương của ngoại
Giờ nhìn nước mắt rơi dài theo máng xối
Trên mái nhà là giọt nhớ của ai..."
(Hải Bằng)

Xa Huế từ tuổi ấu thơm, cơn mưa Huế đã đưa Hải Bằng về với ngoại để được nũng nịu, để sống lại những giây phút hạnh phúc, sum vầy. Và anh gọi mưa Huế là "nước mắt rơi dài", rồi "giọt nhớ của ai". Con Nguyễn Loan thì lại trở về trong mùa Huế mưa nghiên, để "Tình ai giăng lưới che hờ. Tóc mưa xoã kín đôi bờ sông đêm".
Chợt nhớ ngày trước, chàng trai đa sầu, đa cảm Huy Cận viết "Buồn đêm mưa" trong nỗi cô đơn của đất trời và lòng người... Nhà thơ họ Cù như đang đếm mưa rơi bằng cảm giác và tâm trạng lẻ loi, nghe như mênh mang, xa vắng:

"Rơi rơi...dìu dịu rơi rơi...
Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ..."

Mưa Huế sao nghe da diết quá! Những hạt mưa như cởi mọi u buồn, gắn kết những người con xứ Huế, níu kéo tâm hồn những người đi xa. Giọt thương, giọt nhớ, giọt lệ... mỗi giọt mưa Huế gắn với cuộc sống, tình yêu của mỗi con người, "trận mưa nào cũng đọng giọt tâm tư" (Hải Bằng). Có sống với Huế, với mùa mưa mới thấm thía để khi đi xa lại " thèm" chút mưa trên "đất mẹ". Hãy chia sẽ nỗi nhớ rất đỗi dễ thương mà có sức nặng đến se lòng của Hồ Đắc Thiều Anh để yêu hơn mảnh đất này:

"Khi mô anh về thăm Huế xưa
Nhớ gói giùm em một chút mưa
Gói thêm mớ lạnh từ chân tóc
Buốt thấu buồng tim vẫn chưa bưa

Thôi thì:

Hẹn Huế mùa sau sẽ về thăm
Thăm từng cái lạnh dấu trong chăn
Nghe mưa rả rích trong đêm vắng
Để nhớ vô cùng những tháng năm"

Gọi về trên từng góc phố, hàng cây, mưa làm cho những đền đài thành quách cố đô vốn đã bàng bạc màu thời gian nay lại phủ thêm một màu rêu phong cổ kính. Dường như mưa đang gọi quá khứ về cho những di tích xưa... để ngàn năm con nâng niu, gìn giữ...

"Chiều ni xứ Huế dầm mưa
Sen gia đôi cụm lưa thưa mặt hồ
Một người biền biệt nơi mô
Hoàng thành trầm lặng, cố đô não nùng."

(Xưa Huế chiều mưa- Mai Văn Hoan)

"Trầm lặng" để lắng sâu, cất giữ mãi cõi lòng, để nghe bâng khuâng, xao xuyến, nghe dìu dịu, rưng rưng cho mỗi giọt nhớ, giọt thương...

Mỗi mùa mưa về, Nội tôi hái khế xuống dầm để nấu canh trong mùa lụt. Khế dầm nước mưa nấu canh cá lóc sẽ ngọt hơn nhiều so với khế hái từ cây. Ông thì vội vã đem áo quần ra giặt, ông cười hiền "áo trắng lắm con ơi"... Tần tảo trên vai đòn gánh dẻo, cô gái Huế xoã tóc thề gánh hàng đến chợ, nghe trong tiếng mưa rơi bước chân duyên gánh cả cơn mưa đất trời đến chợ, tạo nét Huế thầm gom nỗi nhớ mùa đông. Giọt Huế- giọt mưa, giọt bền bỉ, dẻo dai, giọt trong mắt mẹ, mắt bà, giọt vai gầy, giọt duyên thầm của em... Thương lắm ơi mưa Huế, giọt yêu..giọt thương ..giọt chờ ,giọt đợi ..

Trần Văn Toản (Giáo viên Quốc Học- Huế)