Chủ Nhật, 12 tháng 9, 2004

Chuyện tình Huế theo cùng "răng, rứa"

Chuyện tình Huế theo cùng các phương ngữ “ răng, rứa, mô , tê” là đề tài rất nhiều người quan tâm. Đó cũng là cách chúng ta tìm hiểu về ngôn ngữ Huế- Tiếng Huế- một phần tất yếu của con người Huế, văn hóa Huế và tình yêu Huế.
Đầu tiên là bài thơ làm quen. Lưu Trần Nguyễn đã đưa ta về với thời của học sinh trường Quốc Học và nữ sinh Đồng Khánh Huế những năm 1950- 1960. Hồi ấy, trường Quốc Học là trường dành riêng cho nam sinh, và trường Đồng Khánh là trường dành riêng cho nữ sinh. Học sinh hai trường này học rất giỏi. Mỗi khi tan trường, nam sinh Quốc Học thường hay đón chờ nữ sinh Đồng Khánh chuyện trò,trao thư.... Từ đây đã hình thành nên nhiều chuyện tình, và bài thơ sau đây là sự mở đầu cho một chuyện tình yêu thời học trò ở Huế : Lời người con gái nghe có vẻ chua ngoa, nhưng không dấu được nỗi thích thú trong lòng. Đầu câu huyện là những lời trách móc, sợ dị nghị nhưng cuối câu chuyện là lời hẹn hò cho những lá thư sau:

“ Răng mà cứ theo tui hoài rứa
Cái ông ni mới dị chưa tề
Sớm trưa chiều ba bữa đi về
Đưa và đón mần chi không biết!

Ôi đôi mắt chi mà tha thiết
Đừng có nhìn làm loạn bước tui đi!
Lá thư tình ông gởi mần chi?
Cha mẹ biết rầy la tui chết! ....

Tội tui lắm! Cách cho vài bước
Đừng đi gần hai đứa song đôi
Xa xa cho kẻo bạn tui cười
Mai vô lớp cả trường dị nghị!

Theo chi rứa răng mà không biết dị
Thôi được rồi! Đưa lá thư đây!
Mai tan trường đơị ở gốc cây
Tui sẽ tới trả lời cho biết...”

Đó là bước đầu trao thư và nhận thư. Lối xưng hô vẫn còn xa cách lắm. Người ta bảo dấu hiệu để nhận biết người con gái Huế đã bằng lòng yêu bạn hay chưa là qua cách xưng hô. Con gái Huế khi chưa yêu thì thường xưng “ ông, tui”, đến khi xưng “ông/ em” thì tình cảm đã lớn thêm một cấp độ nhưng người con gái Huế vẫn đang còn tìm hiểu và thử thách chàng trai. Đừng có nghĩ người con gái Huế xưng ông là vì người con trai lớn hơn mình quá nhiều tuổi, mà đó là vì con gái Huế muốn thế:
“ Em sanh ra đã là con của Huế
Nên gắng liền với mấy chữ mô tê
Có khó chi mô ông không hiểu tề
Huế "răng rứa" như của ông "sao dzậy".

Và cũng vì lối xưng hô “ ông” cho nên nhiều chàng trai đã tự ái, đã “lẫy”. Chúng ta hãy cùng nghe cô gái Huế giải thích thật dễ thương:
Em gọi "ông" có chi mô mà lẫy
Ông không già thì để í mần chi
Tại xưng anh em thấy nó kỳ kỳ
Người ta nghe được... ôi thôi dị chết

Ông biết rồi răng giả vờ chi cho mệt
Mần người ta noái chậm khổ ghê nơi
Huế em tiếng khó nghe rứa người ơi
Đến đây rồi ... ráng mở tai cho lớn ...”

Và rồi chắc cũng có thư qua, về. Tháng ngày trôi đi, không biết đã xong học kỳ I, học kỳ II chưa, hay là chàng trai ấy và cô gái Huế ấy đã bước sang năm học mới nhưng bài thơ sau thì chắc chắn là chuyện tình của họ đã đi qua được những cửa ải khó khăn ban đầu của sự ngại ngùng, của tâm lý hồi hộp khi trao lời muốn nói. Tình cảm đã thân thiết hơn, trong cách nói chuyện đã bớt đi phần e ngại, người con gái Huế đã xưng “ em” không còn xưng “ tui, ông” xa cách như trước nhưng vẫn giữ được khoảng cách nam- nữ. Sau giai đoạn đưa thư làm quên, đây là lúc đã được chấp nhận và bắt đầu nhớ thương, tìm đến nhà:
Tôi nhớ mãi một câu "rứa hí"
Em chào tôi "Rứa hí! Em về"
Lời nhỏ nhẹ mà tôi tê tê
Tiếng chào nhỏ đủ vừa nghe "rứa hí"...

Đã bao lần tôi về bên Huế
Với tôi Huế không nói điều chi
Chỉ đám cỏ non bờ sông chảy thế
Là tôi nghe tiếng Huế thầm thì

Con phố vắng tôi lần tìm quán nhỏ
"Mệ bán cho con năm đồng thuốc lá"
Mệ nhìn tôi rồi cười hỉ hả:
"Có rứa mà chú cũng mần thơ"

Chuyện tình yêu thời học trò chỉ có thế thôi. Những lá thư hò hẹn, những ánh mắt nhìn... Nghĩ về nhau nhiều lắm mà chẳng dám nói chi nhiều. Thế rồi, chắc là hết học, cô gái lấy chồng theo sự sắp đặt của ba mạ. Cả hai đều buồn. Lần cuối chia tay tình cảm cũng rất trong veo, vẫn là “ bên nớ”, “ bên ni” đầy xa cách:
Rứa thì rứa
Biết mần răng được
Bên nớ về
Bên ni biết mần răng

Bên nớ về
Bên ni đứng tần ngần
Nỏ được cầm tay
Chỉ lặng thinh không nói
Có chi mô mà rầu rầu tức tưởi
Lần cuối cùng thì cũng rứa mà thôi
Tôi không muốn có một kết thúc như thế này nhưng thơ văn xưa đã viết vậy, câu chuyện tình Huế qua những vần thơ “ răng , rứa” cũng đành chịu như vậy:

Ngày dạm hỏi
Bên nớ lên chùa trốn biệt
Ba Mạ tìm buông lời tiếng bẻ bàng
Rứa thì rứa biết mần răng được

Bên ni buồn
Khi bên nớ sang ngang
°
Hôm hôn lễ
Bên nớ bày hoa sứ
Cái loài hoa hai đứa miềng yêu
°
Bên ni biết
Bên nớ còn chưa hết
Vẫn còn thương
Thương lắm biết bao nhiêu

Nghe xa cách “ bên nớ”, “ bên ni”, thế nhưng tình cảm mà chàng trai dành cho cô gái là mối tình của cả một thời, của cả một đời. Cho nên cách xưng hô không nói hết chiều sâu của tình cảm. Chàng trai Huế không nói nhiều mà dành trọn cả cuộc đời mình cho tình yêu:

Ngày gặp lại
Bên nớ thành bà ngoại
Mà bên ni vẫn là cứ trai tân

Bên nớ hỏi:
- răng mà tội rứa
Bao năm rồi còn chưa chịu thành thân

Rứa thì rứa...
Có chi mô mà hỏi
Chưa quên được người
Đâu muốn khổ cho ai.”

Câu chuyện tình Huế theo cùng “ răng rứa” đã kết thúc như thế. Nhưng thực tế có những chuyện tình kết thúc có hậu hơn, chú rể là chàng trai Quốc Học và cô dâu là nữ sinh Đồng Khánh, họ cùng nhau học tập, cùng nhau thành đạt, bây giờ đã con cháu đề huề....

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét