Thứ Bảy, 24 tháng 7, 2004

Bởi vì em dắt anh lên những ngôi đền cổ


Tạm biệt Huế

Bởi vì em dắt anh lên những ngôi đền cổ
Chén ngọc giờ chìm đáy sông sâu
Những lăng tẩm như hoàng hôn chống lại ngày quyên lãng
Mặt trời vàng và mắt em nâu

Xin chào Huế một lần anh đến
Ðể ngàn lần anh nhớ trong mơ
Em rất thực nắng thì mờ ảo
Xin đừng lầm em với cố đô

áo trắng hỡi thuở tìm em thấy
Nắng minh mạng mấy nhịp Tràng Tiền
Nón rất Huế nhưng đời không phải thế
Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng

Nhịp cầu cong và con đường thẳng
Một đời anh tìm mãi Huế nơi đâu
Con sông dùng dằng con sông chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu

Tạm biệt Huế với em là tiễn biệt
Hải Vân ơi xin người dừng tắt ngọn sao khuya
Tạm biệt nhé chiếc hôn thầm lặng
Anh trở về hóa đá phía bên kia

(Huế, tháng 8-1983) Thu Bồn

Bài thơ này được Thu Bồn viết sau chuyến đi Huế (đã được nhạc sĩ Nhạc Xuân An phổ nhạc)
Với chỉ chừng hai mươi câu và một trăm sáu mươi âm tiết, thi sĩ đã là một họa sĩ phác họa cả bức tranh thủy mặc về Huế vừa hữu tình chất chứa vừa hữu duyên mà mở đầu bài thơ thi sĩ đã có cái cớ “Bởi vì em dắt anh” mà cảnh và tình ở đây nhập vào làm một. Con người Thu Bồn là sự kết hợp của những gì tưởng chừng khó kết hợp, vừa hào sảng vừa nhiệt tình, vừa đa tình vừa thật tính, anh có cái chất của người rất Quảng Nam nên tình yêu cũng rất tinh tế, nhịp nhàng.

Thơ kết hợp với hiện thực vì trong đó chất chứa tình cảm của một người luôn nghĩ tới tình yêu, đa tình đa sầu đa cảm như vậy nên Thu Bồn đã chỉ có thể “Tạm biệt Huế với em là tiễn biệt”. Hình ảnh của người đi và người ở lại, người ra đi vì một lý do khách quan nào đó còn người ở lại trong hoài cảm “minh mang” chứ không là “mênh mông”, “tiễn biệt” chứ không là “ly biệt”, “tạm biệt”, “vĩnh biệt” - một vị từ thật đắt chỉ có Thu Bồn vì yêu quá mới có cái dùng từ vi diệu như thế.
Chỉ “một lần đến” vậy mà “ngàn lần nhớ trong mơ”. So sánh như thế không gì là khập khiễng vì “Em rất thực nắng thì mờ ảo/Xin dừng lầm em với cố đô”.
Cố đô Huế là vẻ đẹp của “lăng tẩm” trầm lặng và là của thiên nhiên ban tặng cho đất thần kinh nhưng với em là vẻ đẹp của “áo trắng” thướt tha cầu Tràng Tiền trong cái gió lộng tư bề. Cổ kính như Huế nhưng với em thì truyền thống trong cách tân hiện đại để có yêu, có nhớ có nên duyên vợ tình chồng thì âu đó cũng là quy luật tự nhiên vậy. Thế nhưng lòng thi sĩ đã ngà ngà say men hồng đào xứ Quảng mà lảo đảo chếnh choáng hơi men tình. Câu ca dao xưa nói rất thật ở trong tình cảm nhà thơ lúc này: “Học trò ở Quảng ra thi/Thấy cô gái Huế chân đi không đành!”

Con người Huế, cảnh Huế được con mắt rất tinh của thi sĩ Thu Bồn chộp lại thật đẹp trong huyền ảo bảng lãng hơi sương của “12 nhịp Tràng Tiền”, Sông Hương làm nên Huế bằng lòng sông của phá Tam Giang hợp lưu lại:

“Con sông dùng dằng con sông chảy ngược
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”

Từ láy “dùng dằng” của con sông là sự mềm yếu nhưng rất mạnh mẽ “giữ mình” của cô gái Huế để khi về thi sĩ chỉ dám “hôn thầm lặng” rồi “hóa đá”. Xưa nay chỉ có biểu tượng “Hòn vọng phu” chỉ thiếu phụ chờ chồng chinh chiến trở về mà ôm con hóa đá. Nay Thu Bồn vì yêu mà “hóa đá bên kia” - ở Ngũ Hành Sơn-quê hương thi nhân chỉ cách quê em-Huế một dãy đèo Hải Vân.
Không hiểu sao mà dân Quảng ra Huế dễ bị Huế lấy mất hồn thế kia. Ừ thì Huế đẹp Huế thơ, Huế mộng Huế mơ. Hay là các anh xứ Quảng yếu tim, dễ bị "dụ". Chứ khi xưa sĩ tử từ khắp Nam Bắc đến Huế thi chứ riêng gì ở xứ Quảng.
“Học trò ở Quảng ra thi/Thấy cô gái Huế chân đi không đành!”
Câu này đã sữa lại là:
"Học trò trong Quảng ra thi .Thấy cô gái Huế chân đi không đành".